30 tháng 4, 2012

Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời ..

“Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội”, 1665-1670, sơn dầu trên vải, khổ 206 x 144 cm, Museo del Prado, Madrid
"Đức Mẹ hồn xác lên trời", tempera trên gỗ dát vàng, vẽ năm 1447-1452, của  Sano di Pietro
"Đức Mẹ hồn xác lên trời", sơn dầu trên gỗ, khổ 690 x 360cm, vẽ năm 1516-1518, của Titian 
Vương cung Thánh đường  Santa Maria Gloriosa dei Frari, ở Venice với tác phẩm "Đức Mẹ hồn xác lên trời" của Titian
"Đức Mẹ hồn xác lên trời", 1620, sơn dầu trên vải, khổ 458 x 297 cm, của Rubens
“Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội”, 1645-1655, sơn dầu trên vải, khổ 235 x 196 cm, The Hermitage, St. Petersburg

“Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội”, c. 1678, sơn dầu trên vải, khổ 274 x 190 cm, Museo del Prado, Madrid















Đến với đất nước Israel

Khi máy bay bay trên vùng Trung Đông, nhìn ra cửa sổ máy bay, tôi chỉ thấy một bãi sa mạc mênh mông, không một mái nhà, không một cây cối nào cả. Khi máy bay gần đến thủ đô Amman của nước Jordanie, là đất nước nằm sát bên cạnh nước Do thái, tôi cũng chỉ thấy toàn là sa mạc khô cháy, không một rãnh nước, không một hồ ao nào cả. Tôi tự nghĩ: một mảnh đất khô cằn, mênh mông trọc lóc, không một bóng cây, làm sao người dân vùng này có thể sống được.
Cây ôliu


Thế nhưng, qua những ngày sau đó, ở trên đất nước Do thái, tôi mới nghiệm ra được những điều nghịch lý đầy kỳ diệu. Đất đai ở vùng này là đất sa mạc, khô cằn, không có nước, nên rất khó mà trồng trọt. Vậy mà Chúa lại sinh ra một loại cây rất thích hợp với thổ nhưỡng ở đây: đó là cây ôliu. Cây ôliu là loại cây sống khỏe và thích hợp với loại đất khô cằn, có đá vôi. Còn nếu chúng ta mang nó đi trồng ở các mảnh đất tốt, màu mỡ, thì nó lại không hợp, và năng xuất cho trái cũng giảm đi.
Ở trên một vùng đất khô cằn mà cây ôliu vẫn sống được, nên cây này được coi là cây kinh tế chủ lực của vùng miền này. Vì vậy, theo như hướng dẫn viên du lịch cho biết, thì ngày xưa, khi quân thù muốn làm kiệt quệ một đất nước ở vùng này, họ phá hết các cây ôliu. Tuy nhiên, có một điều lạ là cây ôliu sống rất khỏe. Người ta chặt ngang nó đi, thì các chồi mới lại mọc ra từ gốc của cây. Nhờ đó mà tôi mới hiểu được rõ hơn câu Kinh Thánh Ysaya 1,1: “một chồi sẽ xuất từ gốc Ysai, và từ rễ nó, lộc sẽ mọc lên”.
Năm 1995, tôi có dịp đi Pháp để học hỏi về Thánh Vinh Sơn. Tôi có dịp xuống miền nam nước Pháp, đến ở nơi Thánh Vinh Sơn sinh ra xưa kia. Tại đây, có một cây sồi to cao, già cỗi mà người ta nói là có từ thời của Thánh Vinh Sơn, nghĩa là cách đây hơn 300 năm. Khi đó, tôi nghĩ: như vậy, đây là cây sống lâu năm nhất mà tôi được tận mắt nhìn thấy. Thế nhưng, ở vườn Giethsemani tại Giêrusalem, tôi được nhìn thấy cây ôliu mà người ta nói là đã sống đến 1500 năm. Và ở vùng ven biển Địa Trung Hải, là vùng đất người ta trồng rất nhiều cây ôliu, người ta nói: có cây sống từ 2000 đến 3000 năm, và chu vi quanh thân cây đo được đến 10 mét.
Có điều nghịch lý là cây ôliu lại là cây sống tốt và cho năng xuất cao trên những mảnh đất sỏi đá, khô cằn, nóng bức hơn là trên những mảnh đất phì nhiêu, màu mỡ. Vậy mà từ những mảnh đất khô khan và sỏi đá đó, cây ôliu lại cung cấp cho loài người 1 thứ dầu quý nhất. Thật vậy, các nhà nghiên cứu nói rằng: dầu ôliu và dầu cây cải là hai thứ dầu tốt hơn hết các loại dầu khác. Người ta chứng minh cho thấy là dân ở đảo Crêta trong vùng biển Địa Trung Hải không có bị nhồi máu cơ tim, đó là nhờ họ thường dùng dầu ôliu và các thức ăn tốt cho sức khỏe.
Nước
Tôi không biết ở Việt Nam chúng ta, thứ gì được coi là thiết yếu nhất, quan trọng nhất. Tuy nhiên, khi đến đất nước Do thái, chúng tôi được căn dặn kỹ là phải uống nước thường xuyên, vì trời rất nóng, và con người của mình dễ bị thiếu nước. Và quả thật, đến vùng sa mạc này, đi đâu, người du khách cũng phải kè kè ôm chai nước đi theo, để uống vài ngụm khi khát. Và tại Bêlem, tôi còn thấy có một em người Palestine đưa một kết chai nước khoáng ra lề đường, và em rao bán cho du khách, cứ một đôla một chai, chai loại 1 lít rưỡi.
Ở vùng sa mạc này, người ta nói một lít nước ngọt còn mắc hơn là giá một lít xăng. Và cũng vì nước ở đây quý giá như vậy mà từ thời xa xưa, tổ phụ Abraham cũng đã từng xích mích với người cháu của mình là ông Lót, vì gia nhân của hai gia đình tranh chấp nhau, giành lấy những giếng nước cho đoàn súc vật của mình. Và ngay đến ngày nay, các cuộc chiến tranh ở vùng Trung Đông cũng như tại đất nước do thái, là để tranh giành nhau những con sông, những ao hồ có nước ngọt. Cũng vì nước ở đất nước Do thái thiết yếu như vậy mà có lần, Chúa Giêsu đã tuyên bố trước mặt đám đông dân chúng: “Ai khát thì hãy đến với Ta và hãy uống kẻ tin vào Ta, như Kinh Thánh đã nói: Tự lòng Ngài có những sông tuôn chảy nước sinh sống” (Yn 7, 37-38).
Ở giữa vùng sa mạc khô cháy, cây cối không thể mọc lên. Vậy mà người do thái đã biết dùng những ống cao su, đục lỗ nhỏ để tưới từng giọt nước cho các cây trồng. Nhờ vậy, mà họ đã thành công và trồng được những vườn cây cam, cây chuối, cây chà là nổi tiếng, và họ còn xuất cảng sang Âu Châu. Tiếp đến, khi đến gần Giêrusalem, chúng ta thấy cây cối xanh tươi mọc trên các sườn đồi khô cằn, sỏi đá. Bởi vì người ta có chiến dịch: mỗi người dân trồng một cây xanh để xanh hóa đất nước, và ngay cả những người do thái sống ở nước ngoài cũng gửi tiền về để trồng cho mình một cây xanh trên quê hương của mình. Họ đã làm được điều đó là nhờ họ tìm được phương cách tưới nước một cách tiết kiệm cho các cây trồng.


Khi đi thăm biển hồ Galilê, chúng tôi được lên thuyền và đi một vòng để cảm nghiệm cuộc sống của các tông đồ làm nghề chài lưới khi xưa. Và theo sự cắt nghĩa của cha Nguyễn Chí Thiết, vị hướng dẫn viên của chúng tôi, thì hôm nay chúng tôi may mắn gặp lúc biển lặng, không một gợn sóng. Vì ở đây, lúc trời nổi lên bão táp, người ta cũng không dám bước xuống thuyền ra khơi. Vì bão ở đây dữ dội gấp nhiều lần các thứ bão ở ngoài biển. Vì hồ Galilê nằm ở trong một lòng chảo, xung quanh là núi cao, nên khi gió thổi đến làm dậy sóng, nó không có lối để thoát ra. Vì chung quanh toàn là núi cao. Cũng vì vậy mà chúng tôi hiểu được phần nào nỗi khiếp sợ của các tông đồ, trong câu chuyện họ cùng đi thuyền với Chúa Giêsu sang bờ bên kia, và gặp sóng to gió lớn.
Rồi khi đến tắm ở Biển Chết, chúng tôi được căn dặn kỹ: vì nước biển ở đây mặn gấp chín lần nước biển thường, nên chúng tôi không được để cho nước biển bắn vào mắt, hay để cho mình uống nước biển. Nếu có thì phải báo ngay cho vị hướng dẫn viên, để tìm cách cứu chữa. Mang tiếng là tắm ở Biển Chết, nhưng thật ra chúng tôi chỉ ngâm mình dưới nước mà thôi, không được phép bơi lội, vì sợ làm tung tóe nước vào mắt của những người khác. Và vì nước biển ở đây mặn hơn nước biển thường, nên chúng ta không sợ chìm, chúng ta có thể nằm ngửa ra mà đọc báo.
Chúa Giêsu 
Đến với đất nước Israel,  tôi thấy  miền đất khô cằn đá sỏi này đã tạo nên những con người bất khuất. Bất khuất ở chỗ là tôi đã thấy tại đây những người Hồi giáo cầu nguyện mỗi ngày năm lần: họ cầu nguyện ngay nơi làm việc, hay là ngay cả trên đường xa lộ. Tôi cũng thấy những người Do thái cầu nguyện chân thành trước Bức Tường Phía Tây (Bức Tường Than Khóc) hay trước mồ của vua Đavít. Tín đồ Hồi giáo cũng như tín đồ Do thái giáo, họ rất nhiệt tình với đạo của mình, không ai chịu thua ai. Cũng vì vậy mà họ giữ được bản sắc tôn giáo của họ, và họ cũng đã đối nghịch với nhau suốt mấy nghìn năm. Cũng vì vậy, mà việc truyền giáo ở đất nước này thật là khó khăn. Suốt bao nhiêu năm, vậy mà hiện nay, con số người Do thái theo đạo công giáo chưa được 100 người, và mới chỉ có một người Do thái làm linh mục công giáo mà thôi. Vì vậy mà tôi hiểu được phần nào cái khó khăn của Chúa Giêsu khi xưa, khi Ngài phải chạm trán với những người do thái giáo quá khích, đầy nhiệt thành với tôn giáo của mình. Chính vì vậy mà họ phải khử trừ Chúa, giết chết Chúa.
Mặt khác, vì được sinh ra từ mảnh đất đầy nghịch lý này, mà Chúa Giêsu cũng trở nên một con người bất khuất, nhiệt thành đối với Thiên Chúa Cha. Chúa cũng ra đi rao giảng một cách không mệt mỏi. Chúa cũng đã kiên định trong đường lối giáo lý của Chúa Cha. Và Chúa cũng đã thích nói những kiểu nói đầy nghịch lý của người Do thái, nên Chúa đã gây sốc cho họ. Chẳng hạn: “Bánh sự sống chính là Ta. Ai đến với Ta sẽ không hề đói, và kẻ tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ” (Yn 6, 35), hay là “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào được Nước Trời” (Mt 19, 24), hay là: “vì kẻ nào muốn cứu lấy sự sống mình thì sẽ mất; còn kẻ nào mất sự sống mình vì Ta, thì kẻ ấy sẽ cứu nó” (Lc 9, 24), hay là: “Phàm ai nói lời nghịch đến Con Người, điều đó sẽ tha được; nhưng với kẻ phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha” (Lc 12, 10),  hay là: “Nhưng Ta bảo các ngươi, những kẻ đang nghe Ta: Hãy yêu mến thù địch và làm ơn cho những người oán ghét các ngươi” (Lc 6, 27), và vv…
Hiện nay, cha Nguyễn Chí Thiết, năm nay 70 tuổi, là vị linh mục Việt Nam hướng dẫn viên duy nhất ở Đất Thánh. Ngài đã hướng dẫn 53 đoàn hành hương đến viếng thăm Đất Thánh. Ngài nói : mặc dù Ngài đã đi đến đây 53 lần, nhưng lần nào Ngài cũng cảm nghiệm được những điều mới mẻ thú vị. Israel là một đất nước bé nhỏ, là nơi gặp gỡ giữa ba lục địa: Phi Châu, Á Châu và Âu Châu. Đây cũng là nơi hành hương của ba tôn giáo lớn, đó là Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Vì thế, đất nước này vẫn còn tiếp tục thu hút nhiều khách hành hương đến, để khám phá những điều mới lạ cũng như để nhận ra những điều nghịch lý kỳ diệu nơi miền đất khô cằn sỏi đá này.
                                                                                                            Paul Trị cm


***